Luật cho phép “Tố cáo”, “Khiếu nại” – Sao không thực hiện?

Lượt xem:

Đọc bài viết

Theo Luật tố cáo 2018 thì: “Tố cáo” là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

“Khiếu nại” theo quy định tại Luật khiếu nại 2011 là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

       Hình ảnh minh họa.

Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đã được ghi nhận từ rất lâu, cụ thể từ Hiến Pháp năm 1959 đến Hiến pháp 2013 quy định rất chi tiết: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”

Không chỉ được đề cập tại Hiến Pháp, những quyền này còn được cụ thể hóa tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, điển hình là: Luật tố cáo 2018, Luật khiếu nại 2011.

Tuy đã được pháp luật quy định một cách cụ thể, chi tiết tại từng Điều, Khoản trong các văn bản pháp luật nhưng hầu như quyền khiếu nại, tố cáo cũng như nghĩa vụ mà pháp luật bắt buộc thi hành chưa được thực thi một cách triệt để. Người dân chưa thực sự sử dụng nó như một quyền để bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm.

Vậy, nguyên nhân vì sao?

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, chủ yếu do ý thức người dân, bởi vì họ luôn có tư tưởng “Một điều nhịn chín điều lành”, ngoài ra, cũng có những nguyên nhân khác như sợ bị trả thù, sợ mất thời gian đi trình báo mà không biết có được giải quyết thỏa đáng hay không. Trong khi, kim chỉ nam của nền tư pháp nước ta là nước luôn hướng đến mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp quyền nên việc thực thi quyền khiếu nại, tố cáo của người dân là một mắt xích quan trọng để hoàn thành mục tiêu đó.

“Một điều nhịn” có thực sự “lành” không?

Chúng ta thường có tư tưởng rằng hành vi vi phạm pháp luật cũng như các hành vi phạm tội chỉ xâm phạm đến quyền và lợi ích của cá nhân mà không nghĩ được những hành vi đó còn xâm phạm đến lợi ích của tập thể, của cả cộng đồng, xã hội.

Khi quyền lợi cá nhân bị xâm phạm, nếu bạn chỉ biết im lặng, không lên tiếng, không thực hiện các biện pháp mà pháp luật cho phép để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình thì sẽ có những sự việc vi phạm khác tiếp diễn. Như vậy, “một điều nhịn chín điều lành” không thực sự đúng đối với xã hội hiện nay.

Pháp luật đã có cơ chế cho chúng ta quyền được chỉ ra cái sai, vạch ra những hành vi xâm phạm quyền lợi hợp pháp của bản thân và những người xung quanh thì cớ sao phải im lặng chấp nhận, nhân nhượng cho sự sai trái có cơ hội hoành hành?

      Hình ảnh minh họa.

Lo sợ trả thù là tâm lí chung của người dân khi thực hiện hoạt động khiếu nại, tố cáo cho dù đối tượng bị khiếu nại, tố cáo là ai. Xác định được vấn đề này nên trong các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, nhà làm luật luôn dành những điều luật cụ thể để quy định về biện pháp bảo vệ người khiếu nại, tố cáo, đơn cử như:

– Bảo mật thông tin người khiếu nại, tố cáo;

– Dùng các biện pháp để bảo vệ tính mạnh sức khỏe, công việc, vị trí, danh dự nhân phẩm của người khiếu nại, tố cáo cũng như người thân trong gia đình họ.

Sợ mất thời gian cũng là điều mà người dân thường cảm thấy ái ngại khi quyết định thực hiện khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, hiện nay việc giải quyết tố cáo, khiếu nại đã được quy định cụ thể về thời hạn tùy từng vụ việc, mang tính chất linh hoạt hơn rất nhiều, tạo mọi điều kiện cho người dân để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cụ thể:

– Đối với tố cáo:

Thời hạn giải quyết tố cáo được quy định như sau:

+ Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.

+ Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.

+ Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. (Theo Điều 30 Luật tố cáo 2017)

– Đối với khiếu nại:

+Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu:

=>Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. (Điều 28 Luật khiếu nại 2011)

+Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai:

=>Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý. (Điều 37 Luật Khiếu nại 2011).

Rõ ràng, những lo ngại của người dân về việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình đã được nhà nước khắc phục bằng quy định pháp luật.

     Hình ảnh minh họa.

Song song với quyền khiếu nại, tố cáo của người dân thì nghĩa vụ của việc tố cáo và trách nhiệm cũng được đặt ra để nâng cao hệ thống pháp quyền của nhà nước. Cụ thể:

– Trách nhiệm khi không tố cáo:

Pháp luật chỉ đặt ra trách nhiệm pháp lý đối với trường hợp không tố cáo. Không quy định trách nhiệm pháp lý đối với khiếu nại.

Việc cá nhân không thực hiện tố cáo thì tùy thuộc theo mức độ của hành vi bạn che dấu thì có thể chịu các trách nhiệm hình sự cụ thể như sau:

“Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.” (Khoản 138 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017).

– Trách nhiệm khi tố cáo sai:

Ở phạm vi khiếu nại, pháp luật không quy định trách nhiệm khi khiếu nại gian dối, nhưng đối với việc tố cáo gian dối pháp luật đặt ra các trách nhiệm pháp lý để nâng cao ý thức tố cáo của người dân.

+ Trách nhiệm hình sự:

=> Sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015. Tùy thuộc vào phạm vi tố cáo gian dối sẽ có những hình phạt khác nhau.

+ Trách nhiệm dân sự:

=> Người có hành vi tố cáo gian dối dẫn đến thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm của người bị tố cáo xâm phạm thì phải bồi thường thiệt hại và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. (Điều 592 Bộ luật dân sự 2015).

Ngoài các hành vi tố cáo trên bị xử lý thì còn có các hành vi được quy định tại Điều 8 Luật tố cáo 2018 là những hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo, và tùy thuộc mức độ vi phạm thì sẽ bị áp dụng hình thức xử lý tương ứng.

Theo Thư ký luật