5 nhiệm vụ của giáo dục tiểu học trong năm học mới 2019-2020

Lượt xem:

Đọc bài viết

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019 – 2020 Bộ chỉ đạo Giáo dục Tiểu học tập trung hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 – 2021 với một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, thực hiện rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất các trường tiểu học đáp ứng điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bảo đảm cơ sở vật chất trường học thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học; bổ sung xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu, trong đó chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn theo quy định.

Thực hiện rà soát, dự báo quy mô phát triển đối với giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng trong đó chú trọng quy hoạch đất dành cho giáo dục.

Đồng thời công khai đất quy hoạch để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển giáo dục tiểu học ở các khu công nghiệp, khu chế xuất để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

Việc thực hiện dồn dịch các điểm trường lẻ, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ tại các địa phương phải đảm bảo nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; phù hợp với quy hoạch đáp ứng được các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 07/5/2018 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên đủ về số lượng theo định mức để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đủ về thành phần để thực hiện dạy học các môn học theo qui định của chương trình đảm bảo phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp đối với cấp tiểu học.

Thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để chuẩn bị sẳn sàng cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ cho giáo viên đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm;

Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 1 theo chương trình mới được bồi dưỡng trước khi thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, chuẩn bị sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp tiểu học.

Tổ chức thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo chương trình mới, trước hết là sách giáo khoa lớp 1; tổ chức tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý sử dụng sách giáo khoa lớp 1; hoàn thành các điều kiện chuẩn bị triển khai chương trình lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chỉ đạo các địa phương biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông.

Ban hành Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa để các địa phương tổ chức việc lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp và hiệu quả.

Thứ tư, chú trọng đổi mới công tác quản lí, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lí, tăng cường quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Thực hiện nội dung dạy học theo hướng tinh giản, tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học và nâng cao chất lượng đánh giá học sinh tiểu học; vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục; bảo đảm các điều kiện và triển khai dạy học ngoại ngữ, tin học theo chương trình mới.

Nâng cao về số lượng và chất lượng dạy học 2 buổi/ngày; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; tích cực và nâng cao hiệu quả trong công tác truyền thông.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ, nâng cao vai trò, trách nhiệm, lương tâm, đạo đức nhà giáo. Khắc phục tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục tiểu học.

Tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học.

Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng cho học sinh tiểu học. Thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành phù hợp điều kiện từng địa phương.

Tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng tốt đẹp, gắn với tăng cường giáo dục đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.

Bảo đảm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục thể chất, y tế trường học; phát động phong trào học bơi và phòng, chống đuối nước cho học sinh.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục tiểu học

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới và phát triển giáo dục.

Tuyên truyền những kết quả đạt được để xã hội hiểu và chia sẻ, đồng thuận với các chủ trương đổi mới về giáo dục tiểu học; xây dựng kế hoạch truyền thông, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài địa phương, kịp thời, chủ động cung cấp thông tin để định hướng dư luận, tạo niềm tin của xã hội.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục chủ động viết và đưa tin, bài về các hoạt động của ngành, tập trung vào các tin bài về việc chuẩn bị các điều kiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa đối với lớp 1, nhất là các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến của cấp học để khích lệ các thầy cô giáo, các em học sinh phấn đấu, vươn lên, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Nguyễn Thị Minh KhoaTheo Giáo dục Việt Nam