Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cách thức tổ chức kiểm tra giữa học kì 1 đối với học sinh lớp 4, 5 của cấp tiểu học
Lượt xem:
Căn cứ Quyết định số 1426/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2019 – 2020 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Căn cứ Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT Quy định đánh giá học sinh tiểu học;
Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cách thức tổ chức kiểm tra giữa học kì 1 đối với học sinh lớp 4, 5 của cấp tiểu học như sau:
- Yêu cầu
– Kiểm tra môn Tiếng Việt và môn Toán khối lớp 4, lớp 5.
– Môn Tiếng Việt và môn Toán ở các khối lớp này là hai môn học công cụ, chiếm nhiều thời lượng hơn so với các môn học khác.
– Giúp giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ HS xác định được mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của các em.
– Giáo viên có những biện pháp giúp HS khắc phục khó khăn trong học tập, rèn luyện để vươn lên và ngày một tiến bộ hơn.
- Cách tổ chức kiểm tra
- Đối tượng kiểm tra
Học sinh lớp 4, lớp 5 kiểm tra giữa học kì 1 với 2 môn Tiếng Việt và Toán.
Học sinh lớp 1, 2, 3 không kiểm tra nhưng phải tổng hợp kết quả đánh giá giữa học kì.
- Thời gian kiểm tra
Kiểm tra giữa học kì 1. Từ ngày 28/10 đến ngày 01/11/2019
- Nội dung, hình thức và cách tổ chức
Căn cứ vào chuẩn Kiến thức – Kĩ năng theo Chương trình tiểu học được ban hành tại Quyết định số 16/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, ra đề kiểm tra dựa vào yêu cầu cần đạt giữa học kì 1 trong tài liệu chuẩn Kiến thức – Kĩ năng. Cấu trúc đề kiểm tra theo ma trận đề được áp dụng tại điểm c, khoản 2, Điều 10 của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT và nội dung đã được tập huấn các cấp.
Ngữ liệu đề kiểm tra khuyến khích nên chọn những ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa nhưng có nội dung phù hợp với chủ đề, chủ điểm trong chương trình học
và phải bảo đảm mang tính giáo dục học sinh.
Tổ chức ra đề kiểm tra theo cách mỗi giáo viên ra một bộ đề kiểm tra theo khối lớp đang dạy. Hiệu trưởng thành lập hội đồng xét duyệt đề, ban hành quy chế coi, chấm bài kiểm tra và bảo đảm tuyệt mật.
Nhà trường không giao đề kiểm tra trước cho giáo viên và thống nhất cùng một thời gian mở đề của khối lớp. Phân công giáo viên coi, chấm chéo và phải đúng quy chế nhưng không gây áp lực cho học sinh.
Phòng Giáo dục và Đào tạo giám sát quá trình tổ chức kiểm tra.
- Chấm, lưu hồ sơ và lập bảng tổng hợp
Hiệu trưởng tổ chức chấm bài tập trung. Bài kiểm tra được chấm điểm và kết hợp với nhận xét.
Lưu ý: Đối với môn Tiếng Việt, có 2 bài kiểm tra là bài kiểm tra đọc và bài kiểm tra viết chấm điểm có thể là số thập phân nhưng không được làm tròn số. Trung bình cộng của 2 bài kiểm tra đọc, viết là điểm cuối cùng của môn Tiếng Việt nếu là số thập phân thì được làm tròn số.
Ma trận đề, đề kiểm tra, quyết định, biên bản, nhà trường lưu vào hồ sơ chuyên môn. Ma trận đề là cơ sở để các cấp quản lí đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường.
Kết thúc đợt kiểm tra, các trường lập “Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp”.
Lưu ý: “Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp” có thêm các môn Khoa học, Lịch sử & Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Đạo đức, Âm nhạc, Mĩ thuật, Kĩ thuật và Thể dục thì giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kĩ năng để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức độ: Hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành. Đánh giá năng lực, phẩm chất theo các mức độ: Tốt, đạt, cấn cố gắng.
Bảng tổng hợp lập tất cả các khối lớp. Bảng tổng hợp phải được hiệu trưởng kí duyệt hoàn chỉnh, lưu đầy đủ vào hồ sơ chuyên môn (lưu ý: Bảng tổng hợp được tải trên hệ thống phần mềm và phải chỉnh sửa cân đối rỏ ràng và in bằng loại giấy bìa dầy để lưu trữ lâu dài).
III. Báo cáo kết quả
Tổng hợp kết quả theo mẫu đính kèm (online) hạn chót ngày 09/11/2018.
Nguồn: Phòng Giáo dục Vĩnh Thuận