Từ 01/7/2020, giáo viên có bằng “cử nhân” Cao đẳng vẫn phải học lên Đại học để đủ chuẩn. Hiểu sao cho đúng?

Lượt xem:

Đọc bài viết

Theo Điều 72 Luật Giáo dục 2019 thì những giáo viên tiểu học hay trung học tốt nghiệp hệ cao đẳng nhưng trên bằng có ghi tốt nghiệp “cử nhân” thì vẫn phải học lên để đủ chuẩn Đại học. Cụ thể, Điều 72 Luật giáo dục 2019 quy định như sau:

“1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

…”

Chính xác nội dung quy định này yêu cầu từ 01/7/2020, giáo viên tiểu học và trung học phải có trình độ đào tạo Đại học trở lên và cụm từ “cử nhân” trong trường hợp này là chỉ những người tốt nghiệp Đại học, không bao gồm những người tốt nghiệp cao đẳng mà trên bằng có ghi cử nhân.

Sở dĩ hiện nay có nhiều thầy cô hoang mang không biết mình có phải học để nâng chuẩn theo quy định mới hay không là vì đang còn có sự nhầm lẫn trong cách hiểu các quy định pháp luật.

Cụ thể, theo quy định hiện hành tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, cử nhân là văn bằng được cấp cho những những người tốt nghiệp trình độ đại học của của giáo dục đại học. Tuy nhiên, cụm từ “cử nhân” này cũng được ghi trên bằng cao đẳng đối với người tốt nghiệp một số ngành, nghề đào tạo nhất định. Cụ thể, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định người tốt nghiệp trình độ CĐ được cấp bằng tốt nghiệp CĐ và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành. Cụ thể hóa quy định này của luật, Thông tư 10/2017/TT-BLĐTBXH đã quy định bằng tốt nghiệp cao đẳng thêm từ “danh hiệu cử nhân thực hành” dành cho những người học các ngành nghề khoa học tự nhiên, xã hội, nhân văn, “danh hiệu kỹ sư thực hành” dành cho những người học các ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.

“Danh hiệu này vừa để khẳng định, vừa để tôn vinh người tốt nghiệp trình độ CĐ có năng lực thực hành nghề nghiệp ở trình độ kỹ sư hoặc cử nhân. Danh hiệu này không hề làm khó cho người học sau tốt nghiệp mà chỉ làm tăng thêm giá trị cho người học ở trình độ CĐ” – Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay.

Như vậy, có thể thấy, cụm từ “cử nhân” hiện nay sẽ dùng để chỉ 2 đối tượng sau:

1. Cử nhân Đại học đối với những người tốt nghiệp đại học theo quy định của luật giáo dục đại học.

2. Cử nhân thực hành đối với người tốt nghiệp cao đẳng theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp.

Và bằng “cử nhân” được quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019 là muốn chỉ danh hiệu đối với những người thuộc đối tượng thứ nhất, tức tốt nghiệp đại học ngành đào tạo giáo viên. Những người tốt nghiệp cao đẳng nhưng trên trên bằng có ghi “cử nhân thực hành” vẫn phải học lên Đại học để đủ chuẩn theo quy định này.

Để hiểu thêm xin hãy nghiên cứu Luật Giáo dục 2019, tại đây.